Tin tức

Cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và và người dân

Để ngăn chặn triệt để tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, chính doanh nghiệp và người dân giữ vai trò “then chốt”, bởi hành vi mua bán hóa đơn được xuất phát từ hai phía. Vì vậy, doanh nghiệp và người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát đấu tranh và tố cáo tội phạm mua bán, sử dụng hóa đơn. Ông Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN.

 

PV: Để phòng ngừa việc xuất khống HĐĐT, mới đây Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp (DN) có rủi ro về HĐĐT; rà soát, kiểm tra DN sử dụng hóa đơn của các đơn vị này. Tuy nhiên, DN lại cho rằng, việc ngành Thuế ban hành công văn này làm khó DN, ông có quan điểm gì về vấn đề này?

 

 

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín

 

Ông Nguyễn Văn Được: Cơ quan thuế có thẩm quyền và trách nhiệm yêu cầu DN giải trình bằng việc cung cấp hồ sơ, số liệu chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN. Việc thực hiện giám sát DN có rủi ro theo dữ liệu của cơ quan công an là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế.

Cơ quan thuế có quyền yêu cầu các DN mua hàng hóa/dịch vụ của các DN này và sử dụng hóa đơn do các DN này phát hành để kê khai và khấu trừ khi nộp thuế, qua đó xem quá trình mua bán hàng hóa, giao dịch hàng hóa có thực hay không.

Trong trường hợp DN có sử dụng hóa đơn của các DN như trên mà chứng minh được hoạt động mua bán có thật, thì sẽ được pháp luật bảo vệ. Ngược lại, trong trường hợp DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn trường hợp sử dụng hóa đơn không đúng quy định, chẳng hạn, mua hàng của 1 DN khác nhưng lấy hóa đơn của 1 trong 524 DN đó, thậm chí không mua hàng của DN nào mà chỉ mua hóa đơn của 1 trong số 524 DN nêu trên thì vi phạm pháp luật. Cơ quan thuế hướng dẫn NNT, nếu rơi vào trường hợp như vậy, hoặc không có cơ sở chứng minh việc mua bán hàng hóa là có thật, thì cơ quan thuế yêu cầu NNT tự nguyện khắc phục hậu quả theo quy định của Luật Quản lý thuế và kê khai điều chỉnh.

Nếu NNT chắc chắn không mua bán hóa đơn, không sai phạm thì NNT chỉ cần giải trình và cam kết có thực hiện đủ việc mua bán hàng hóa với đầy đủ giấy tờ chứng minh không vi phạm pháp luật. Còn nếu có dấu hiệu rủi ro, hoặc cảm thấy rủi ro thì phải tự kê khai điều chỉnh để giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý về mặt hành chính hoặc hình sự.

 

PV: Có ý kiến của DN cho rằng, HĐĐT được cấp mã của cơ quan thuế, là hóa đơn hợp pháp và việc sai phạm trong quá trình sử dụng hóa đơn trách nhiệm không thuộc về DN, mà đây là công tác quản lý của cơ quan thuế, ông có quan điểm gì về ý kiến trên?

Ông Nguyễn Văn Được: Thực tế DN hiện đang hiểu nhầm. Quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP nêu rõ, hóa đơn được cơ quan thuế xác thực cấp mã chỉ đảm bảo là hóa đơn hợp pháp về mặt hình thức, còn nội dung thì Nhà nước và cơ quan thuế không xác nhận có hợp pháp hay không. Vấn đề là hóa đơn hợp pháp về hình thức nhưng nội dung kinh tế không hợp pháp, hay nói cách khác, hóa đơn hợp pháp về hình thức, nhưng sai phạm về sử dụng hóa đơn, tức là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Những hành vi không hợp pháp trong sử dụng hóa đơn, chẳng hạn không mua bán hàng hóa, hoặc mua bán hàng hóa số ít nhưng ghi trong hóa đơn thành số nhiều. Nếu DN nhận thấy, hóa đơn hợp pháp về hình thức, được sử dụng hợp pháp thì có quyền giữ quan điểm về việc không sai phạm và được pháp luật bảo vệ. Đây cũng là quy định đã có từ trước.

Đến nay, rủi ro sai phạm sử dụng hóa đơn ngày càng nhiều và tinh vi, rủi ro sai phạm được phát hiện nhiều hơn, nên số lượng các DN được yêu cầu giải trình gia tăng. Dù vậy, điều này cũng gây khó khăn cho DN, bởi họ không biết được DN xuất hóa đơn có gian dối hay không và việc giải trình cũng khá mất thời gian, công sức.

Về giải trình, DN có thể lựa chọn cách thức giải trình phù hợp. Công văn của cơ quan thuế không yêu cầu DN phải trực tiếp lên cơ quan thuế để giải trình, như vậy, DN có thể giải trình bằng văn bản và phản ánh nếu có hành vi “nhũng nhiễu” từ cán bộ thuế.

 

 

Để ngăn chặn việc mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cần sự vào cuộc cả doanh nghiệp và người dân

 

PV: Tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, với mức độ ngày càng tinh vi. Theo ông, DN cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như uy tín của DN trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn, về phía cơ quan thuế cần có giải pháp gì để ngăn chặn triệt để vấn nạn trên?

Ông Nguyễn Văn Được: Để hạn chế việc mua bán hóa đơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các DN làm ăn chân chính thì NNT phải cùng phối hợp với cơ quan thuế cũng như các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện trên hai hướng “hạn chế cung và cắt cầu” mua bán hóa đơn.

Theo đó, để hạn chế cung mua bán hóa đơn đòi hỏi ngành Thuế cần tăng cường công tác phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro trong việc mua bán hóa đơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, truy vết…, tăng cường giám sát và thanh tra, kiểm tra nếu có dấu hiệu rui ro về thuế.

Ở chiều ngược lại, để “cắt cầu” mua bán hóa đơn, chính DN và người dân đóng vai trò “then chốt”, bởi hành vi mua bán hóa đơn là xuất phát từ hai phía. Do đó, DN và người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát đấu tranh, tố cáo tội phạm mua bán, sử dụng hóa đơn. Cùng với đó, cơ quan thuế và cơ quan công an cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với chức trách của mình nhằm sớm phát hiện và xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn.

Bên cạnh đó NNT (DN), cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm soát quá trình mua hàng và nhận hóa đơn, chỉ nhận hóa đơn của đơn vị đã bán hàng cho DN…

– Theo thoibaotaichinhvietnam –

 

Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định rõ, doanh nghiệp có trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp thông tin để chứng minh nghĩa vụ thuế của mình đã kê khai nộp thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên doanh nghiệp có trách nhiệm giải trình. Trong quá trình thực hiện, nếu doanh nghiệp khẳng định có mua bán hàng hóa thực tế, chứng minh được việc mua bán hàng hóa đó, thì vẫn được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để khấu trừ thuế.

icon zalo