Tin tức

Doanh thu 12,5 triệu đồng/tháng phải đóng thuế: Liệu có phù hợp?

Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng/ năm, tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành. Việc tăng ngưỡng doanh thu chịu thuế là điều cần thiết, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ngưỡng chịu thuế doanh thu từ 150 triệu đồng/năm vẫn còn thấp và đề xuất nâng cao hơn. Vậy, nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế đến đâu để phù hợp với thực tế?

 

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Được – Tổng Giám đốc Công ty TNHH và Tư vấn Thuế Trọng Tín; Uỷ viên thường trực Hội tư vấn Thuế Việt Nam về nội dung này.

 

PV:  Thưa ông, trong dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi đã đề xuất điều chỉnh ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh. Ông đánh giá sự cần thiết của điều chỉnh này ra sao?

 

Ông Nguyễn Văn Được: Tôi đánh giá cao quy định của Luật Thuế GTGT khi điều chỉnh ngưỡng doanh thu không phải chịu thuế từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng, có nghĩa là người nộp thuế có doanh thu đến 150 triệu đồng vẫn không phải nộp thuế; như vậy cơ sở kinh tế thu hẹp lại và ngưỡng chịu thuế được mở rộng thêm.

 

Điều này giúp giảm áp lực thuế với các hộ, cá nhân kinh doanh, làm cho các đối tượng nộp thuế giảm đi.

 

Đây là tín hiệu đáng mừng cho các hộ, cá nhân kinh doanh và phù hợp với thực tiễn bởi ngưỡng 100 triệu đồng được xây dựng trên các chỉ tiêu kinh tế, xã hội vào năm 2008, tới nay đã qua nhiều năm rồi, các chỉ tiêu cũng thay đổi nên việc điều chỉnh lại ngưỡng chịu thuế là điều nên làm và cần thiết. 

 

PV: Về ngưỡng chịu thuế do Bộ Tài chính đưa ra là 150 triệu đồng/ 1 năm. Ông thấy đã phù hợp chưa?

 

Ông Nguyễn Văn Được: Tôi cho rằng mức 150 triệu có vẻ chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Một năm một hộ cá nhân kinh doanh có mức doanh thu 150 triệu đồng thì giá trị gia tăng theo biểu thuế khoảng 15 triệu.

 

15 triệu so với mức cận nghèo ở nông thôn là 18 triệu đồng và thành phố là 24 triệu đồng thì mức doanh thu này còn chưa bằng mức cận nghèo mà phải đóng thuế thì chưa phù hợp.

 

Nên chăng mức tối thiểu chúng ta nâng lên là 180 triệu đồng để sau khi tính thuế giá trị gia tăng bằng với mức cận nghèo ở nông thôn; hoặc ở mức 240 triệu là mức cận nghèo ở thành thị.

 

PV: Vậy ông có đóng góp gì với nội dung này nhằm đảm bảo tính khả thi, tránh lạc hậu khi áp dụng trong thực tiễn?

 

Ông Nguyễn Văn Được: Không chỉ là câu chuyện xây dựng chính sách về thuế mà các quy định cần phản ánh được chân thực tình hình xã hội, đồng thời dự liệu được trong tương lai để làm sao khi Luật ra nó vừa phản ánh thực tiễn vừa bao quát được các tình huống trong tương lai, tránh việc Luật chưa ra đã lạc hậu.

 

Để Luật Thuế giá trị gia tăng không bị lỗi thời, Bộ Tài chính cần tính toán lại ngưỡng 150 triệu có phù hợp hay không.

 

Căn cứ để xây dựng ngưỡng này ngoài dựa vào các chỉ tiêu kinh tế – xã hội có thể dựa vào chỉ số CPI hoặc mức lương tối thiểu để phù hợp. Đồng thời, xây dựng theo chỉ tiêu mở bởi sau 5 năm, 10 năm thì điều kiện kinh tế xã hội thay đổi.

 

Giống như Luật Thuế thu nhập cá nhân có quy định thay đổi khi CPI tăng 20% thì có thể quy định giao cho Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ này thì sẽ nhanh hơn và thuận tiện hơn.

 

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

 

Xem chi tiết bài viết của VOV tại: https://vovgiaothong.vn/newsaudio/doanh-thu-125-trieu-dong-thang-phai-dong-thue-lieu-co-phu-hop-d38321.html

Nguồn: VOV

icon zalo