Ông Nguyễn Văn Được: Nâng mức giảm trừ gia cảnh là đúng luật và phù hợp với thực tiễn
Trao đổi với PV TBTCVN về việc đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, ông Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh thời điểm này là đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín
* PV: Như ông đã biết, Bộ Tài chính đang đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN theo hướng có lợi cho người nộp thuế. Việc điều chỉnh này được cho là phù hợp với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
– Ông Nguyễn Văn Được: Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp và thu nhập giảm sút của người lao động trên quy mô lớn do dịch bệnh gây ra, thì việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh (cho bản thân và người phụ thuộc) của người nộp thuế có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quy định này sẽ cải thiện phần nào đời sống nhân dân, đóng vai trò tích cực và tác động mạnh mẽ đến điều tiết nền kinh tế vĩ mô.
Như chúng ta đã biết, mức giảm trừ gia cảnh được trừ vào thu nhập khi tính thuế TNCN. Do đó, khi mức giảm trừ gia cảnh tăng lên, có nghĩa là thu nhập tính thuế sẽ giảm đi và điều này đồng nghĩa với thuế TNCN giảm xuống. Thuế TNCN giảm tức là thu nhập khả dụng (thu nhập còn lại), hay là sức mua của người nộp thuế tăng lên, đóng vai trò cải thiện đời sống cho nhân dân, kéo theo chi tiêu, tiêu dùng (cầu của hàng hóa dịch vụ) sẽ tăng, từ đó kích thích sản xuất kinh doanh, tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô. Khi sản xuất và tiêu dùng tăng lên thì Nhà nước sẽ thu được các khoản thuế gián thu như: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… và thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, khi thu nhập còn lại của người nộp thuế tăng lên, sẽ làm tăng tích lũy tư nhân và tăng đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn thẩm mỹ. Người lao động cũng vì thế có điều kiện đầu tư nâng cao chuyên môn, từ đó tăng năng suất lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển…
Ngoài ra, xét trên góc độ pháp lý, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với các quy định tại khoản 4 điều 1 Luật số 26 (Luật Thuế TNCN năm 2012 – PV). Theo đó, khi CPI biến động trên 20% so với thời gian luật có hiệu lực, thì phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với chỉ số CPI kể từ thời điểm kỳ tính thuế sau. Như vậy, cuối tháng 12/2019 chỉ số CPI tăng 23% so với thời điểm Luật số 26 có hiệu lực từ 1/7/2013 thì việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh là phù hợp với quy định hiện hành.
Có thể nói, tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN không chỉ đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh gây ra nhằm hỗ trợ, chia sẻ đến người nộp thuế. Đồng thời là công cụ hữu hiệu điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
* PV: Theo tính toán sơ bộ, với việc nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì một cá nhân có thu nhập từ 20 – 22 triệu đồng/tháng, có 2 người phụ thuộc sẽ không phải nộp thuế TNCN. Điều này sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống người dân thưa ông?
– Ông Nguyễn Văn Được: Như tôi đã phân tích ở trên, khi mức giảm trừ gia cảnh tăng lên thì thuế TNCN sẽ giảm, thu nhập còn lại của người nộp thuế sẽ tăng. Từ đó người nộp thuế sẽ giảm bớt khó khăn, có điều kiện để chăm lo cho cuộc sống bản thân, gia đình và con cái. Đồng thời người nộp thuế sẽ có nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động y tế, giáo dục, nâng cao tay nghề, vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch và văn thẩm mỹ hoặc tích lũy tư nhân…
Với mức thu nhập 20 triệu đồng đến 22 triệu đồng mà người nộp thuế không phải đóng thuế, sẽ tác động tích cực, mạnh mẽ nhất đến nhóm người lao động có thu nhập trung bình, đảm bảo được mục tiêu phân phối thu nhập giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Biện pháp tăng giảm trừ gia cảnh dẫn đến giảm thuế TNCN là một giải pháp hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả tác động nhanh đến người dân thay vì các thực hiện các chính sách phân phối lại thu nhập và hỗ trợ gián tiếp khác.
Bản thân người nộp thuế đương nhiên được giảm trừ gia cảnh
* PV: Qua tìm hiểu được biết, người dân rất quan tâm mà mong muốn đề xuất trên của Bộ Tài chính sớm được thực hiện. Là người làm công tác tư vấn thuế cho doanh nghiệp, ông thấy người nộp thuế tiếp nhận thông tin này như thế nào?
– Ông Nguyễn Văn Được: Tôi cho rằng, hầu hết người dân vui mừng và mong muốn chính sách này sớm được thông qua, bởi quy định này còn tác động tích cực đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế.
Do đó, người dân mong muốn quy định này được áp dụng từ năm 2020 (áp dụng từ ngày 1/1/2020) thay vì phải chờ đến khi pháp luật có hiệu lực. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đề xuất phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh sao cho phù hợp với thực tiễn về chỉ số CPI và đời sống thực tế của người dân, không chỉ cho hiện tại mà bao gồm cả tương lai… Mức giảm trừ gia cảnh, phương pháp tính, tiêu thức tính làm sao đảm bảo công bằng xã hội và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người nộp thuế trên cơ sở pháp luật cho phép.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VTCA – Hội tư vấn thuế Việt Nam